VƯỜN QUỐC GIA YÔK ĐÔN: HUY ĐỘNG SỨC DÂN ĐỂ BẢO VỆ RỪNG
Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn có diện tích hơn 115.500ha, là rừng có hệ sinh thái rừng khộp duy nhất tại Việt Nam với hệ thống động vật, thực vật phong phú, đa dạng. Trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt việc giao khoán bảo vệ rừng kết hợp với công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao ý thức của người dân đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học VQG này.
Giao khoán để bảo vệ rừng:
VQG Yok Đôn có tính đa dạng cao, với trên 858 loài thực vật, 89 loài thú, 305 loài chim, trong đó nhiều loại động vật, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm như, các loài cây gỗ quý, thuốc quý. Lâm phần của VQG này nằm trên địa giới hành chính thuộc 7 xã nằm trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Tính đa dạng cao cũng khiến Vườn Quốc gia Yok Đôn thường xuyên bị các đối tượng vi phạm "nhòm ngó" và khai thác trái phép tài nguyên rừng. Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng và tạo thêm sinh kế cho người dân vùng đệm, VQG Yok Đôn đã triển khai tốt chính sách giao khoán bảo vệ rừng với diện tích hơn 17.500 ha rừng cho 19 cộng đồng thôn, buôn của 23.000 hộ thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Đây là một trong những chính sách nhận được sự tham gia tích cực của nhân dân vùng đệm.
Theo Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn Nguyễn Hữu Tạo, vào mùa khô việc đi lại trong rừng thuận tiện nên các đối tượng vi phạm thường lợi dụng để thực hiện các hành vi khai thác tài nguyên rừng trái phép. Bên cạnh đó, đất đai, khí hậu vùng đệm khá khắc nghiệt nên canh tác nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn, do đó một bộ phận người dân có tập quán vào rừng để săn bắt, hái lượm, khai thác rừng, tạo ra những áp lực không nhỏ trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Để huy động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, tăng hiệu quả quản lý bảo vệ rừng và đa dạng sinh học VQG Yok Đôn, đơn vị đã chú trọng triển khai chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng nhân dân vùng đệm, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đệm.
Anh Y Koan Aroh- Buôn trưởng buôn Ea Pri, xã Ea Wer, H. Buôn Đôn cho biết, toàn buôn có 46 hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng ở VQG với diện tích gần 3.000 ha. Bên cạnh việc trực tiếp tham gia tuần tra bảo vệ diện tích rừng nhận giao khoán, các hộ dân nhận khoán còn là lực lượng "xung kích" trong phòng cháy, chữa cháy rừng vào mùa khô mỗi năm. Đặc biệt, với trách nhiệm của người dân nhận khoán bảo vệ rừng, bà con cũng thay đổi cách "ứng xử" với hệ sinh thái rừng, tình trạng sống dựa vào rừng, khai thác tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng đã giảm hẳn. Cộng đồng dân cư vùng đệm còn tích cực tham gia bảo vệ rừng, duy trì môi trường sinh thái cho các thế hệ mai sau.
Có thể thấy, người dân vùng đệm có vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái VQG Yok Đôn, chính vì vậy việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân luôn được quan tâm và phát huy hiệu quả nhằm huy động tối đa sức mạnh của nhân dân trong quản lý bảo vệ rừng.
Dựa vào dân để giữ rừng:
Theo anh Trần Bá Hoàn, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm số 2, VQG Yok Đôn, chính sách giao khoán bảo vệ rừng kết hợp với việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trong cộng đồng các xã vùng đệm không chỉ làm thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng tự nhiên đối với đời sống con người mà còn thay đổi hành vi của mỗi cá nhân đối với công tác bảo vệ hệ sinh thái VQG. Từ đó huy động, phát huy tối đa vai trò của nhân dân, chung tay cùng lực lượng chức năng bảo vệ rừng.
Anh Y Kương Hra, ở buôn Ea Pri chia sẻ, bản thân trước đây cũng từng bị xử lý khi vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, từ khi được chính quyền và lực lượng Kiểm lâm của VQG tuyên truyền, giải thích về vai trò của hệ sinh thái rừng đối với con người và giáo dục pháp luật liên quan đến bảo vệ rừng, anh đã nhận thức được hành vi sai trái trước đây. Hiện anh tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, hàng tháng đều tham gia cùng lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng mỗi khi mùa khô đến. Trong các chuyến tuần tra bảo vệ rừng khi phát hiện các dấu vết rừng bị xâm hại sẽ phối hợp với lực lượng kiểm lâm tìm cách ngăn chặn, đồng thời cung cấp thông tin nắm được để truy tìm thủ phạm nhằm bảo vệ hệ sinh thái của Vườn.
Buôn trưởng buôn Ea Pri Y Koan Aroh cho biết, để nâng cao nhận thức của người dân vùng đệm trong công tác bảo vệ rừng, nhất là trong thế hệ trẻ, những hộ đã nhận giao khoán rừng cũng tuyên truyền cho bà con hiểu biết thêm về các quy định, pháp luật liên quan đến quản lý bảo vệ rừng như không lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng để làm nương rẫy, đồng thời nắm kiến thức về phòng cháy, chữa cháy rừng, cảnh giác với nguy cơ xảy ra cháy rừng vào mùa khô. Bên cạnh đó, nếu phát hiện được người vi phạm hay có ý định vi phạm sẽ báo cáo với lực lượng chức năng để cùng ngăn chặn sớm nhằm thiết lập hệ thống bảo vệ rừng ngay tại vùng đệm của VQG Yok Đôn.
Ông Nguyễn Hữu Tạo dẫn chứng nếu năm 2014 xảy ra 1.400 vụ vi phạm thì số vụ vi phạm và tính chất, mức độ vụ việc cũng giảm dần theo các năm, tính từ đầu năm 2021 đến tháng 11-2021, lực lượng chức năng VQG Yok Đôn phát hiện và xử lý gần 200 vụ vi phạm.
"Người dân vùng đệm VQG Yok Đôn có nhiều lợi thế trong bảo vệ hệ sinh thái của Vườn, nếu phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của nhân dân thì đây sẽ là "tai mắt" của lực lượng kiểm lâm khi nắm rõ những đối tượng có ý định vào rừng khai thác trái phép. Từ đó thông tin cho lực lượng kiểm lâm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, góp phần bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp duy nhất tại Việt Nam - VQG Yok Đôn", ông Nguyễn Hữu Tạo nhấn mạnh.
TUẤN ANH/BÁO MỚI
Phối hợp tuần tra bảo vệ rừng ở VQG Yok Đôn.